Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Tản mạn nghề Sales :v 231014 copy1 ^^

Ah, không phải tui viết đâu !!!
Thấy hay thì copy lại thôi, nếu lở có post rùi thì thông báo để mình đóng topic lại nghen ? (quên mất tiêu nguồn ồi)

Người ta thường ví von cái nghề này qua 8 chữ: "cơm hàng, khách sạn, tè rông, mỏng mồm". Tôi không biết thiên hạ nghĩ sao mà nói thế, nhưng ngẫm lại thấy cũng đúng, chỉ lấy trải nghiệm cá nhân mà bình thì hình như...không sai chút nào.
[​IMG]

Nhớ lúc mới khởi nghiệp thì việc "cơm hàng cháo chợ" là thường xuyên, và bây giờ cũng vậy. Không chỉ đám nhân viên mà cả cá nhân tôi có khi nào được ăn cơm trưa ở nhà đâu. Không cần phải nói lúc đi công tác xa hay có những sự kiện lớn thì việc qua bữa chỉ là vấn đề phụ. Tôi thấy nhiều nhân viên bán hàng của mình ăn trưa lúc 2h, và ăn ở một điểm bất di bất dịch, cũng có thắc mắc là tại sao không ăn ở chỗ khác. Câu trả lời rất buồn cười "Ăn mối, thiếu được sếp ơi". 
Tôi thấy mình sung sướng so với thời gian khổ cực của hơn 10 năm trước. Là 1 nhân viên bán hàng quèn, tuy ở Bình Thạnh, mà nhà phân phối ở quận 12, địa bàn phụ trách lại ở... Bình Chánh. Tôi có 6 quán cơm quen cho mỗi ngày, ở đó tôi có thể ăn thiếu như tụi nó khi kẹt tiền. Các bà chủ quán cơm cũng chẳng có ý kiến gì, vì biết chắc đến ngày giờ đó là tôi lại tới. 
[​IMG]

Ngày nay, hễ đến trưa là có điện thoại í ới rủ rê cơm trưa - cà phê, dù nhà cách công ty có 10p honda nhưng cũng lười về, chắc có lẽ đã quen cái kiếp "cơm hàng".

Chức vụ ngày càng cao, khu vực phụ trách ngày càng rộng, việc công tác xa nhà đã trở nên là "chuyện thường ngày ở huyện". Sáu tỉnh miền Đông, mười ba tỉnh miền Tây, năm tỉnh cao nguyên, và tám tỉnh miền Trung, phải nói là chưa nơi nào không có dấu chân tôi.

Việc ngủ khách sạn hay còn gọi là ngủ bụi cũng không là vấn đề gì lớn. Công tác phí 300k cho 1 đêm khách sạn, ráng tìm chỗ nào 150-200k để còn dư chút đỉnh mua quà về cho đám lính ở nhà và thằng con nhỏ. 
Khách sạn mỗi vùng khác nhau về giá, 150k ở Mekong là có 1 phòng 2 giường, wi-fi mạnh như sóng Vũng Tàu, nhưng ở những điểm du lịch miền Trung thì giá đó chỉ ngủ được ở bến xe, muốn chat chit buổi tối thì chịu khó ra quán. Thường thường thì ngủ chung với tài xế để nó còn dư tiền đem về cho vợ, với lại tôi cũng ghét ngủ 1 mình ở nơi xa lạ.
Riết rồi thiên hạ đi đến đâu cũng hỏi mình về khách sạn và các chỗ... "ăn chơi nhảy múa", làm như mình mê mấy cái món đó lắm vậy, mình chỉ thích chụp hình thôi.
Có những khách sạn rất thoáng về vấn đề hóa đơn đỏ, mấy chỗ đó thường là mối. Chắc chắn khi xuống Cần Thơ là phải ngủ ở Tô Châu, còn đi Phan Thiết thì sẽ đến Công Nhi. Nói nhỏ cái này hông biết có ai bắt chước mình không, chứ nhiều khi ngủ ở nhà vẫn điện thoại cho nhân viên nhờ lấy dùm hóa đơn khách sạn.
Chuyện khách sạn thì nói biết bao giờ cho hết. 

Còn cái vụ bị bệnh kinh niên, chắc nó thuộc bệnh về máu, là cái bệnh "tiểu đường". Hình như không ông sales nào không bị bệnh này, từ ông ngồi xe hơi máy lạnh đời mới cho đến ông chạy xe Cub cà tàng. Từ sales nam cho đến nhân viên nữ, từ kênh truyền thống cho đến kênh siêu thị, cũng không ai thoát cái bệnh này. 
Nhớ tôi hay nói câu này với thằng tài xế dễ thương của mình: "bác tài dừng xe cho ngộ lái", lúc đó nó thường cười rồi nói: "xe đang lên đèo mà đòi lái gì ba?". Nói vậy thôi, chứ nó cũng kiếm bụi rậm hay bãi đất trống nào đó dọc đường để mình "lái", rồi nó cũng "lái" theo.
Khỏi nói mấy ông salesman cứ cột đèn, góc tường, bến xe, gốc cây...chỗ nào vắng vắng là mấy ổng "làm tuốt". Chỉ tội nghiệp mấy sales nữ, đi field với sếp mà cứ thỉnh thoảng chạy vô nhà sách hay "sếp giữ xe giùm em, em vô siêu thị chút". Lúc đầu còn ngạc nhiên, về hỏi lại sếp của họ thì thường được đáp lại 1 nụ cười kèm câu trả lời thì thào: "tụi nó đi toilet".

Chuyện mỏng mồm của sales là điều bắt buộc, vì nó nằm trong kỹ năng mà được gọi theo đúng chuyên môn là kỹ năng giao tiếp, cao hơn là kỹ năng xử lý phản đối. Thường thì các người làm sales, nhất là mấy ông nam, hay đem cái kỹ năng được huấn luyện nghiêm túc và bài bản này áp dụng vào đời thường cho 2 việc mượn tiền và cua gái. 

Ngay cả bản thân tôi là 1 sales lâu năm, rành nghề, đầy rẫy kinh nghiệm xương máu chiến trường mà cũng không thoát khỏi mấy ổng. Mượn tiền đi nhậu thì sẽ nói mượn sửa xe để đi làm, mượn đi chơi với gái thì đưa ra lý do... khám bệnh. Nói chung mấy ổng "khóc" hay đến nỗi Quan Công trên bàn thờ cũng phải mủi lòng.

Có những ông kiểm soát được cái mồm mỏng của mình nên ít gây tai họa (cũng có chứ không phải không), còn đa số các ông thì gây hậu quả tuy không nghiêm trọng nhưng rất nhức đầu. Tôi rất vui khi khách hàng hay đối tác phàn nàn về cái tật nói nhiều của nhân viên mình, vì tôi biết họ đã thành công trong việc tiếp cận, từ đó sẽ có kết quả như mong muốn.
Mà tôi có mỏng mồm không nhỉ? Cái này để hỏi bé Thư xem sao.

Viết nhăng viết cuội cho vui về cái nghiệp mình đang mang. Tôi biết dân Marketing chính thống không coi dân Sales tụi tôi ra gì cả, nhưng thôi cũng kệ. Vì có 1 điều, chắc họ ít khi nhìn ra được là một Sales giỏi có thể là 1 Marketer giỏi theo ngày tháng, nhưng 1 Marketer giỏi chưa chắc đã biết bán hàng giỏi. Đây là kinh nghiệm cá nhân tôi. 
[​IMG]

Tôi chẳng được đào tạo gì về Marketing cả, tất cả những kiến thức về nó mà tôi có đều được "góp nhặt" từ khoảng thời gian lăn lóc trên thị trường. Tôi có thể nhận ra tất cả các actions thuộc Marketing và cũng có thể làm tốt nó. Nói thật, mọi người đừng cười, tôi không biết gọi tên các actions đó là gì.
Tôi học để hệ thống hóa lại các "góp nhặt" của mình, và ngày nay tôi hài lòng về kiến thức mà tôi có. Cho dù có người bảo rằng: "không biết con mẹ gì về Marketing mà cũng lãnh lương cả ngàn đô". 

Ừ, thì mình làm Sales cũng có sao đâu, miễn đủ tiền muốn xài gì xài, và tối ngủ ngon là được.